Trong bài viết này chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm hiểu thông tin và kiến thức về Led daylight cho cây thủy sinh hay nhất được tổng hợp bởi ChoiThuySinh
Ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật trong bể thủy sinh. Vậy làm sao để trang bị hệ thống ánh sáng cho bể thủy sinh giúp cây thủy sinh phát triển tốt, có màu sắc đẹp và động vật thủy sinh sống mạnh khỏe? Bài này sẽ giúp bạn tìm hiểu về ánh sáng cũng như hệ thống đèn cho bể thủy sinh, thời lượng chiếu sáng cho bể.
Cây thủy sinh, ánh sáng tự nhiên và màu sắc lá
Cây thủy sinh hiện diện trong mọi thủy vực, mà chủ yếu là các hệ thống sông ngòi. Tùy theo vị trí địa lý, mùa màng và những điều kiện khác nhau mà ánh sáng cung cấp cho cây thủy sinh khác nhau. Như ở gần thượng nguồn, môi trường hai bên bờ thường trống trải và ít cây cối, vì vậy ánh sáng luôn dồi dào vào mọi thời điểm trong ngày. Tình trạng cũng tương tự ở hạ lưu của con sông, nơi thường là vùng đồng bằng. Tuy nhiên, nhiều con sông miền nhiệt đới lại chảy qua những vùng cây cối rậm rạp và một phần đáng kể ánh sáng mặt trời bị cành cây và bụi rậm che khuất. Vì thế cây thủy sinh thường được phát hiện gần bờ các con sông cỡ vừa và lớn, nơi mực nước cạn hơn và cây thủy sinh thu được ánh sáng dễ dàng hơn.
Ngoài ra có một số loài cây có thể vươn ra mặt nước và hình thành lá cạn chẳng hạn như rong lá trầu Echinodorus spp để dễ dàng hấp thụ ánh sáng và CO2. Điểm thuận lợi của việc ra lá bên trên mặt nước là có khả năng quang hợp nhanh hơn và hấp thu CO2 dễ dàng hơn. Lá bên trên mặt nước cũng cung cấp bóng mát cần thiết cho những cây thủy sinh yếu hơn.
Việc cung cấp nguồn sáng đầy đủ, kết hợp với những điều kiện thích hợp về môi trường, sẽ đảm bảo rằng cây có thể quang hợp ở mức độ tối ưu và phát triển mạnh khỏe. Thông thường các hồ cá chỉ được trang trí bằng đèn huỳnh quang hoặc đèn led và thực tế rằng điều đó vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu ánh sáng của nhiều loài cây thủy sinh. Và tất nhiên ánh sáng dành cho hồ thủy sinh đã trở thành một vấn đề rất quan trọng, vì thế để cung cấp ánh sáng hợp lý thì chúng ta sẽ tìm hiểu tổng quan về vấn đề này nhằm tạo ra một môi trường tốt nhất cho hồ thủy sinh của mình.
Màu sắc của lá cây dựa vào mức độ hấp thu ánh sáng Màu của lá cây cung cấp một bằng chứng quan trọng về nhu cầu chiếu sáng của chúng. Hầu hết cây cối đều có các cấp độ xanh lục khác nhau, nhưng nhiều cây cũng tạo ra lá nâu và đỏ. Màu của một vật thể được tạo ra bởi ánh sáng phản xạ từ chính nó (nghĩa là không bị hấp thu). Từ đó chúng ta có thể xác định được những bước sóng nào được cây sử dụng và mức độ hiệu quả của sự quang hợp ở chúng dựa trên màu của lá cây.
Lá cây màu xanh lục nhạt. Bởi vì màu trắng là tổng hợp của rất nhiều màu, màu sáng hơn cho thấy rằng có ít ánh sáng được hấp thu trên toàn bộ quang phổ (tức phản xạ nhiều hơn). Cây có lá màu xanh lục nhạt dường như không quang hợp một cách có hiệu quả và thiếu chất diệp lục tố. Cây màu xanh lục nhạt cần chiếu sáng mạnh để bù đắp cho việc thiếu chất diệp lục tố bên trong các tế bào.
Lá cây màu xanh lục sậm. Lá cây màu xanh lục sậm là dấu hiệu cho thấy cây hấp thu ít ánh sáng xanh lục hơn so với những vùng khác trong quang phổ. Lá cây xanh lục sậm thích nghi với điều kiện chiếu sáng yếu và không đòi hỏi chiếu sáng mạnh. Khi cây xanh lục sậm ra lá mới, chúng thường nhạt hơn rất nhiều, bởi vì lượng diệp lục tố vẫn chưa phát triển bằng với lá cây trưởng thành.
Lá đỏ. Vùng đỏ trong phổ ánh sáng thường là nơi mà quá trình quang hợp diễn ra mạnh nhất, mặc dù ở cây lá đỏ, ánh sáng này bị phản xạ và không được hấp thu. Sự thay đổi màu sắc dựa trên một yếu tố rằng cây sử dụng diệp hồng tố, loại sắc tố kém hiệu quả hơn so với diệp lục tố, để hấp thu năng lượng ánh sáng. Bù đắp cho việc thiếu ánh sáng đỏ, cây phải hấp thu nhiều ánh sáng xanh dương và xanh lục hơn và do đó cần được chiếu sáng mạnh hơn. Một số cây có thể thay đổi loại sắc tố sử dụng để quang hợp tùy vào điều kiện chiếu sáng. Trong trường hợp đó, cây lá đỏ sẽ chuyển thành xanh lục nếu lượng chiếu sáng không đủ, và một số lá xanh lục sẽ chuyển thành màu đỏ ở phần ngọn (tức nơi gần với nguồn sáng hơn) hay trong điều kiện lượng chiếu sáng tổng thể mạnh hơn.